Viêm loét dạ dày tăng nguy cơ bị ung thư

Viêm loét dạ dày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở người dưới 40 tuổi, liên quan đến chế độ ăn uống, lối sống căng thẳng.

BS.CKI Hoàng Đình Thành (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, dù viêm loét dạ dày thường gặp ở những người lớn tuổi (trên 60 tuổi) nhưng người trẻ cũng không được chủ quan với tình trạng này. Bởi nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng ăn uống bên ngoài nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) cao.

Người trẻ cũng thường gặp căng thẳng trong cuộc sống, dẫn đến tăng tiết axit dạ dày và càng làm tình trạng viêm loét do vi khuẩn HP trở nên trầm trọng hơn. Một số yếu tố liên quan đến lối sống của người trẻ như uống nhiều rượu bia hoặc hút thuốc lá dễ khiến vết loét chuyển biến thành ung thư dạ dày.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét lớn. Viêm loét dạ dày có thể gây ra những cơn đau ở bụng, cùng các triệu chứng như khó tiêu, ợ chua, buồn nôn, trào ngược axit dạ dày… Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có nguy cơ phát triển một số loại ung thư nhất định cao hơn người bình thường, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Theo một nghiên cứu thực hiện trên 57.930 người Thụy Sĩ năm 1965-1983, nguy cơ phát triển ung thư dạ dày ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày cao hơn khoảng 1,8 lần so với bình thường. Theo các chuyên gia, nguy cơ này có liên quan mật thiết đến vi khuẩn HP. Vi khuẩn này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thông qua các cơ chế khác nhau.

Bác sĩ Thành cũng chia sẻ thêm, có trên 80% người nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng và không có biến chứng. Song, vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng viêm kéo dài, lặp đi lặp lại trên niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm mạn tính làm tăng hàm lượng các yếu tố kích thích tế bào sinh trưởng, gốc tự do ôxy hóa và gốc tự do nitơ hóa. Đây là các tác nhân có khả năng thúc đẩy sự hình thành đột biến gene trong tế bào. Vi khuẩn này còn tạo ra các yếu tố gây độc tế bào biểu mô dạ dày. Các đột biến gene điều hòa chu kỳ tế bào, khiếm khuyết trong cơ chế sửa chữa ADN có thể dẫn đến những biến đổi ác tính.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có khả năng mắc một số loại ung thư khác cao hơn bình thường, bao gồm ung thư thanh quản, ung thư hạ họng, ung thư tuyến tụy.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày, nhất là khi trẻ tuổi, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và thay đổi một số thói quen sống để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển ung thư.

Người bệnh viêm loét dạ dày nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, duy trì cân nặng hợp lý, tránh uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên cũng như tiến hành tầm soát ung thư định kỳ.

Vi khuẩn HP dễ lây qua đường tiêu hóa. Để phòng ngừa, mọi người nên giữ vệ sinh ăn uống tốt. Trường hợp đau dạ dày tái lại nhiều lần nên đi khám và nếu có nhiễm khuẩn HP thì cần dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp khác, cần tiêu diệt HP như mổ ung thư dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, hội chứng ung thư di truyền…

Trích theo vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0977.700.629
Liên hệ